top of page
  • Ảnh của tác giảAndré Menras

Đôi lời giới thiệu phim « VIỆT NAM : TIẾNG GÀO THÉT TỪ BÊN TRONG »

Hai cuốn phim trước của tôi – « Hoàng Sa Việt Nam : Nỗi đau mất mát » và « Hiệp sĩ Cát vàng » phản ánh số phận của ngư dân miền Trung trước sự gân hấn của Trung Quốc – đã được chuẩn bị cho dù vội vã, sơ sài. Còn cuốn phim thứ ba này thì không, hoàn toàn do tình hình đưa đẩy. Tình cờ, tôi trở lại Sài Gòn vào đầu tháng hai năm 2019 với ý định ra quần đảo Trường Sa (Spratleys) để chuẩn bị kịch bản cho một cuốn phim mới. Các bạn trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng mời tôi tới dự buổi họp mặt nhân dịp Tết. Một buổi tái ngộ thân tình, một dịp làm quen với những thành viên mới, quanh bữa ăn trưa thân mật. Bỗng được tin anh bạn nhà thơ Phan Đắc Lữ, vừa rời buổi họp ra, đã bị công an bắt giữ.

Đối với tôi, đó là giọt nước cuối cùng, sau một loạt những cuộc bắt bớ mới diễn ra, mà nạn nhân là những công dân lương thiện. Giọt nước tràn ly, tôi hủy bỏ các kế hoạch ra đảo và quyết định làm ngay một cuốn phim tố cáo những hành động công an trị của chính quyền. Bất chấp hiểm nguy, các bạn có mặt trong cuộc họp đều sẵn sàng làm nhân chứng. Và họ đã nhận làm hướng đạo cho tôi trong cuộc phiêu lưu mới. Nếu không có họ, chắc chắc tôi đã không thể nào làm được cuốn phim này.

Chỉ sau vài cuộc gặp gỡ phỏng vấn, tôi đã đo lường được sự liều lĩnh của dự án. Trước tiên là về mặt kỹ thuật : tôi đơn độc một mình, túi tiền du lịch hạn hẹp, thiết bị chụp ảnh đơn sơ, tay nghề nghiệp dư tự học. Mỗi cuộc gặp, mỗi cuộc phỏng vấn chỉ có thể quay một lần, không chuẩn bị, không dàn dựng, gặp đâu quay đấy, bất kể ánh sáng và tiếng động chung quanh. Để không làm thất vọng người nhận phỏng vấn, để không bỏ lỡ những cơ hội quý hiếm, tôi không có quyền quay hỏng một cảnh nào. Tất nhiên, tôi đã quay hỏng, không chỉ một lần. Và còn phải nói tới an ninh, nhất là an ninh. An ninh cho các bạn, và cho cá nhân tôi, vì chắc chắn điện thoại của tôi bị nghe trộm, đi đâu chắc cũng bị theo dõi… Tóm lại, cuốn phim này đã được thai nghén dưới áp lực, nó được quay theo kiểu du kích.

Phải nói là tôi thấp thỏm cho đến giờ phút cuối cùng, cho đến lúc lên máy bay trở về Pháp sau hai tháng đi quay. Nhất là tôi đã được công an chính trị cảnh báo và dằn mặt trực tiếp. Đó là sau ngày 8-3-2019, sau khi tôi tới làng Đồng Tâm phỏng vấn những người dân đang chống lại việc cưỡng chế cướp đất, tôi lên đường trở lại Đà Nẵng. Tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), vừa qua khỏi khâu kiểm tra hành lý, tôi đang ngồi đợi lên máy bay thì nghe loa phóng thanh yêu cầu tôi tới « kiểm tra hành lý ». Ba công an mặc thường phục đợi tôi, lễ phép gọi tôi là « bác », mời tôi vào căn phòng gần đó để « trao đổi một chút » – lời của người phụ nữ trẻ dường như là người chỉ huy. Họ hỏi tôi về chuyến đi Đồng Tâm và muốn biết tôi định làm gì với những đoạn phim tài liệu. Cuộc trao đổi diễn ra bằng tiếng Việt, tiếng Việt của tôi không thể uyển chuyển. Tôi nói thẳng tôi sẽ không cung cấp cho họ một thông tin nào về dự án làm phim cũng như về những nhân vật tôi đã gặp bởi vì theo dõi điện thoại của tôi họ đã biết cả rồi. Tôi lại hỏi sao gọi là « cộng sản » những người đã đánh đập một lão đồng chí tuổi ngoại bát tuần đến trở thành tàn tật như họ đã làm với cụ Lê Đình Kình hồi tháng tư 2017 ? Họ nhân danh luật pháp gì, nhân danh những giá trị gì mà làm như vậy ? Tôi nói huỵch toẹt là tôi, công dân Việt Nam, tôi phẫn nộ và sỉ nhục như thế nào vì những hành động bạo tàn và thối nát của Đảng cộng sản. Thấy tôi càng nói càng căng, viên nữ công an tìm cách thuyết phục, nói bạo lực không chỉ ở phía công an, vả lại, có một công an đã bị thương. Tôi bèn đề nghị ghi lại chứng từ của viên công an bị đả thương và sẵn sàng cho vào phim, như tôi sẽ làm với cuộc phỏng vấn cụ Kình. Tôi cho cả địa chỉ khách sạn ở Sài Gòn, nhưng đợi mãi không thấy tăm tích của người công an bị thương ấy. Cuối cùng, một trong ba viên công an đã nói rõ lời nhắn nhủ của thượng cấp : « Chúng tôi quý trọng bác, nhưng nếu bác xúc phạm tới uy tín của Đảng thì bác sẽ phải chịu trách nhiệm về các hậu quả ».

Tôi thuật lại chi tiết cuộc trao đổi này vì nó cho thấy rõ không khí bối cảnh trong đó tôi đã quay mấy chục cuộc phỏng vấn : tôi đi đâu cũng đi một mình, công an thật hay giả có thể hành hung tôi bất cứ lúc nào, không ai làm chứng, ngay khi cấp trên bật đèn xanh : đó là cảnh « thường ngày ở huyện » từ phía công an Việt Nam ngày nay.

Sau hai tháng quay phim, tôi rời Việt Nam ngày 17 tháng tư, rồi trở lại vào tháng mười để quay thêm những đoạn về vụ ô nhiễm to lớn do công ti Đài Loan Formosa gây ra ở Hà Tĩnh – Quảng Bình : tôi sẽ không bao giờ quên sự đón tiếp nồng hậu của giám mục Nguyễn Thái Hơp, của những linh mục và chủng sinh ở Văn Hạnh cũng như của giáo dân giáo phận đang phải chống lại đại nạn ô nhiễm và sự đàn áp tất cả những ai lên tiếng tố giác.

Trong hoàn cảnh thực hiện như vậy, cuốn phim này không thể có tham vọng nghệ thuật hay kỹ thuật nào, nhưng đứng về mặt nhân văn và lịch sử, nó là tấm ảnh ghi lại chân thực khoảnh khắc của xã hội Việt Nam sống và tranh đấu trong cuộc giải phóng lần thứ nhì để giành lấy những quyền con người và quyền dân chủ. Một thời điểm xã hội mà tôi có vinh dự được làm người chứng và sứ giả. Với tất cả tình nghĩa năm mươi năm gắn bó với nhân dân Việt Nam, tôi đã cố gắng làm nhiệm vụ trung thực của một công dân Việt Nam.

Có lẽ do kích thước nhân văn và lịch sử đó mà cuốn phim « Việt Nam : tiếng gào thét từ bên trong » đã được biểu dương ở 7 liên hoan điện ảnh quốc t ế. Bản tiếng Việt xem miễn phí trên Youtube – để khán giả ở Việt Nam có thể truy cập không kiểm duyệt – đến nay đã được hơn 160 000 lần vào xem. Các bản Pháp ngữ và Anh ngữ được đưa lên mạng sau đó một thời gian, thể theo quy định của một vài liên hoan điện ảnh quốc tế.

Tôi thiết tha mời các bạn đến xem phim trong buổi chiếu tới đây của câu lạc bộ YĐA và sẽ rất mừng tham gia cuộc thảo luận sau buổi chiếu.

Cũng xin thông báo là cá nhân tôi sẵn sàng tham gia (không thù lao) những buổi chiếu phim mà các bạn muốn tổ chức, có (hay không) thảo luận (tiếng Pháp, Anh hay Việt).


0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page