top of page
  • Ảnh của tác giảAndré Menras

"Hoàng Sa: trong tim hay sau lưng bạn" Đăng bởi bvnpost on 07/03/2011

Hoàng Hưng dịch




📷Trong cái thế giới tư bản do các nhà băng thống trị này, trong nền kinh tế thị trường mà tất cả biến thành hàng hóa, tất cả chỉ còn là giá trị tính được bằng tiền do những kẻ mạnh đương thời định đoạt, những ông vua kiểu mới kết bè với những vua cũ để giữ đám thần dân dưới ách bọn cảnh sát và quân đội, ta thấy khắp mọi nơi xuất hiện những cuộc kháng chiến để ra khỏi thời trung cổ này, để có một thế giới công chính hơn, sạch hơn, xứng đáng hơn, tôn trọng con người và các dân tộc hơn. Trong đó một số cuộc chiến đấu bùng nổ trước mắt mọi người như ở Tunisie, Ai Cập, Algerie, Lybie, Iran… Những cuộc khác còn ủ như than hồng trên các lục địa khác, chuẩn bị cho những vụ nổ không tránh khỏi sắp tới, cho một sự sở hữu thực sự các quyền của cá nhân và nhân dân cũng như sự sở hữu thực sự di sản quốc gia.

Câu chuyện này, thật nghịch lý và cảm động, là câu chuyện của một ông Tây thực dân “tốt”, vào đầu thế kỷ 20, những năm từ 1924 đến 1934, là năm ông qua đời, đã lâm chiến, hệt như chàng Don Quichotte chống bầy cối xay gió, với chính quyền Đông Dương và Nhà nước thực dân Pháp, nhũng kẻ giả điếc không chịu thừa nhận rõ ràng Hoàng Sa là sở hữu nằm trong toàn thể xứ An Nam đang được nước Pháp “bảo hộ”. Con người ấy tên là Henri Cucherousset. Ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ tuần báo nhỏ ở Hà Nội: “L’Eveil Economique de l’Indochine” (Sự thức tỉnh về kinh tế của Đông Dương), sau đó thành “L’Eveil de l’Indochine” (Sự thức tỉnh của Đông Dương).

Chắc chắn tôi tin là bạn đọc sẽ hiểu rõ rằng các giá trị của tôi là đối cực với những lý thuyết phân biệt chủng tộc, bình định, khai hóa, gia trưởng một cách tinh vi, nói gọn là thực dân, mà ông này bảo vệ trong những bài viết khác nhau của mình. Tuy nhiên, tôi phải đồng thời thừa nhận ở con người phức tạp này một lòng can đảm nhất định và một kiểu chính trực không cãi vào đâu được, khi xét đến môi trường xã hội chính trị mà ông sống trong thời đó.

Dẫu sao thì, ông có công là một trong những người đầu tiên nếu không chính là người đầu tiên, liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, đã bảo vệ một cách mãnh liệt, thông minh và gan góc những lợi ích của xứ An Nam. Và như thế, nước Việt Nam hiện nay phải hàm ơn ông. Ông đã quyết thách thức các vị Toàn quyền và cái mà ông gọi là một “lũ trùm sò nắm chính quyền” (oligarchie gouvernementale) tiền hậu bất nhất và vô trách nhiệm, hẳn là cũng tham nhũng hay tiếp tay tham nhũng, lóa mắt vì viễn ảnh vàng son của thị trường Trung Hoa và sẵn sàng bán tháo những mảnh “đất cằn” [hay “đất hoang chim ỉa” theo Đảng viên lão thành Ba Náo – ND] của xứ An Nam dưới sự bảo hộ của họ lấy những huyễn mộng nhượng quyền buôn bán ngọt ngào trong cái Đế quốc Nằm Giữa và lấy, theo ngôn từ của Cucherousset, “sự bình yên mà nằm tiêu hóa” (la tranquillite de leur digestion).

Cho phép tôi chia sẻ với bạn đọc những thăng trầm của cuộc chiến đấu ấy thông qua vài đoạn thú vị trích từ tờ báo của ông theo dòng thời gian 10 năm đó. Tôi gửi đến ban biên tập Bauxite Việt Nam và các bạn Quỹ Nghiên cứu biển Đông 28 số báo mà tôi đã tiếp cận được. Để các bạn đọc kỹ hơn… và để cho vui…

Vào thẳng vấn đề ngay từ năm 1928

Bài báo đầu tiên mà tôi biết đề ngày 30/12/1928 có tiêu đề “Các đảo Paracels và Đông Dương”. Nó mở đầu như sau: “Các vị lãnh đạo Đông Dương không được phép không biết đến dự án của người Trung Hoa lập ra một quân cảng ở Du Lâm Cảng [Yu Lin Kan] nằm ở phía nam đảo Hải Nam, cửa ngõ vịnh Bắc Bộ, và chính thức chiếm hữu các đảo Paracels.”

Tầm quan trọng của Hoàng Sa và mối đe dọa của nước ngoài

Ông Cucherousset nhắc chính quyền thực dân nhớ đến những bản báo cáo mà Sở Nghiên cứu Hải dương học Phục vụ Nghề Cá [Service Oceanographique des Pêches] [tiền thân của Viện Hải dương học ngày nay – ND] Nha Trang đã gửi cho Hội đồng Toàn quyền (Conseil de Gouvernement) sau chuyến đi nghiên cứu trong vùng các đảo Paracels vào năm 1926 và 1928 của con tàu kéo lưới rê “De Lanessan”. Những báo cáo rất chi tiết này thu hút sự chú ý của nhà chức trách về quần đảo và lợi ích của chúng. Một báo cáo còn nói về sự hiện diện của người Nhật trên một hòn đảo. Họ đã lên đảo để khai thác phosphate và bỏ quên vùng này “sau khi đã tiêu khá bộn tiền ở đó” theo ông Cucherousset. Ông viết:

“Vả lại họ [người Nhật] đã chẳng trú đóng, vào năm 1925, mà không tìm hiểu một cách ý thức ai là người chủ hợp pháp của những đảo này, và khi nhận được câu trả lời của giới chức trách Pháp nào đó ở Sài Gòn rằng “nước Pháp hoàn toàn cóc cần những bãi đá ngầm và đảo nhỏ ấy” hay gì gì đó theo kiểu này, họ bèn nói với ông tỉnh trưởng Quảng Đông của Trung Quốc. Ông này, vốn tầm ngắm đế quốc chủ nghĩa là vô hạn và sẽ tuyên bố ngay chủ quyền đối với Bắc Cực nếu có ai xin ông ta cho phép đi đến đấy, bèn vội vã tuyên bố rằng các đảo Paracels thực sự là thuộc Trung Quốc và, với lòng hào hiệp bao la, cho phép doanh nghiệp Nhật đóng trên một hòn đảo để thử khai thác phân chim…”

Ông Cucherousset nhận xét: “Nếu các đảo Paracels là sở hữu của Trung Quốc, người ta không hiểu [tàu “De Lanessan”] sẽ làm gì ở đó vào năm 1926 với chi phí lấy từ ngân sách Đông Dương. Vậy mà những thông tin mà nó báo cáo chỉ ra rằng quần đảo này không phải là một nhóm bãi đá ngầm không lợi lộc gì. Dẫu sao đi nữa, ngay cả nếu như nó chẳng có gì, hoàn toàn chẳng có gì nhìn về mặt đánh cá, hay phân chim, điều không hề được chúng minh, thì vẫn có, vẫn có rất nhiểu điều để làm ở đó xét trên quan điểm an ninh hàng hải, cảnh sát biển, bảo vệ Đông Dương và quan điểm khoa học.”



Nhà báo viết tiếp:

“Hãy lưu ý trước nhất rằng những bãi đá ngầm và đảo nhỏ ấy chặn con đường trực tiếp từ Sài Gòn và Singapour đến Hồng Kông… Sẽ rất có lợi khi có một hải đăng ở đảo Triton (Tri Tôn) (1) hay đảo Money (Quang Ảnh) với những phao đèn đơn giản và cọc tiêu ở đảo Triton hay bãi đá Bắc. Cây hải đăng còn phục vụ những điều quan trọng nữa xét trên quan điểm khí tượng học vì nó đứng trên đường đi thường lệ của những trận bão giữa Manille và Tourane (Đà Nẵng), cách Tourane 350km. Nó cần được trang bị một máy vô tuyến điện phát sóng ngắn để liên lạc nhiều lần một ngày với Kiến An [đài khí tượng thiên văn Phủ Liễn – ND] cũng như với các con tàu đi ngang ngoài khơi.”

Ông Cucherousset đề nghị tiến hành một nghiên cứu hoàn chỉnh trên quan điểm hàng hải:

“… Khi đó ta sẽ có những sự xác định về những chỗ tàu đậu: cho thủy phi cơ trong phá (lagon) của bãi đá ngầm Bombay (đá Bông Bay), cho tàu lớn ở Tây Nam đảo Lincoln (nước ngọt) (Linh Côn), cho máy bay trong nhóm Amphritite (2), nơi trú bão cho tàu bè gần đảo Boisee (Phú Lâm), chỗ đậu máy bay và tàu nhỏ gần đảo l’Arbre (đảo Cây), trong nhóm Bắc, chỗ đậu thuyền và thủy phi cơ trong phá của đảo Triton, v.v.”

Ông Cucherousset viết tiếp:

“Theo quan điểm trên thì nhóm Croissant (Trăng Khuyết/ Lưỡi Liềm) dường như có lợi với nhiều đảo: Duncan (đảo Quan Hòa), Drummond (đảo Duy Mộng), Pattle (Hoàng Sa), Roberts (Hữu Nhật) có ít nhiều cây cối và dù sao cũng có nước ngọt và hai chỗ tàu đậu cho tàu bè trú gió mùa Tây Nam ở các đảo Duncan và Roberts. Rất có thể quần đảo này trở thành những nơi ẩn náu tuyệt vời, hoặc cho tụi hải tặc, nếu Trung Quốc là chủ về danh nghĩa, hoặc là cho những tàu ngầm được bố trí để giám sát cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ hay con đường từ Singapore và Sài Gòn đi Hồng Kông.”

Chủ quyền không thể tranh cãi của An Nam

Năm sau, trong bài “Vấn đề các đảo Paracels”, nhà báo can đảm của chúng ta trở lại tấn công:

“Chúng tôi đã đặt ra vấn đề các đảo Paracels mà chắc chính quyền muốn dập đi bởi vai trò của họ trong chuyện này không vẻ vang gì, nhưng chúng tôi không hề có ý tự hạn chế trong một bài báo duy nhất… xứ An Nam đặt mình dưới quyền bảo hộ của nước Pháp chứ không phải dưới quyền bảo hộ của các quan chức Pháp ở Đông Dương, và không một mẩu lãnh thổ nào của An Nam có thể bị sang nhượng hay bỏ mặc mà không có sự thuận tình rõ ràng của Hoàng đế An Nam và Tổng thống Cộng hòa Pháp. Từ đó, mọi chính quyền nước ngoài muốn thi hành những quyền nào đó đối với các đảo Paracels buộc phải dựa vào văn bản có hai chữ ký nói trên… các quyền của An Nam đối với các đảo Paracels đã được xác lập và xác lập từ lâu rồi…”

Ông Cucherousset biện luận bằng cách dẫn ra những tư liệu lịch sử mà một số bạn đọc của ông cung cấp. Một trong số người đó tuyên bố: “… mục tiêu của tôi, cũng như của ông, là hoàn toàn vô tư, và tôi tự thấy mình được tưởng thưởng đầy đủ nếu như… chúng ta có thể ngăn chặn được việc một phần di sản của xứ Annam bị tước đi khỏi tay chúng ta chỉ vì sự thờ ơ và ngu xuẩn của nhũng kẻ bảo đảm việc canh giữ nó.”

Trong những tài liệu và sự kiện được nhà báo dẫn ra: việc chiếm hữu thực sự các đảo Paracels dưới triều Hoàng đế Gia Long (năm 1816); Địa dư Duy Tân; Địa dư Minh Mạng; một đoạn trong công trình của Ông Dubois và Jaucigny “Vũ trụ, Lịch sử và sự miêu tả mọi dân tộc, tôn giáo, phong tục tập quán, v.v. của họ: Nhật Bản, Đông Dương, Ceylan, v.v.”; một hồi ký của Jean Louis Taberd, giám mục Isauporis, về địa dư xứ Nam Kỳ, được dịch ra tiếng Anh và đưa vào “Kỷ yếu của Asiatic Society of Bengal”. Những đoạn hùng hồn nhất trong các công trình trên được dịch và dẫn trong bài báo dài này với hàng tràng chi tiết cũng như hàng tràng bằng chứng không thể bác bỏ về chủ quyền của xứ An Nam đối với Hoàng Sa vào thời mà không nước nào khác đòi quyền ấy. Kết lại, Cucherousset mỉa mai mời các nhà chức trách thuộc địa đi tìm tư liệu nơi Ban Giám đốc Văn khố và Trường Viễn Đông Bác Cổ.

Cùng năm 1929 nhà báo viết nhiều bài khác, một số bài được minh họa bằng ảnh chụp những đảo khác nhau, ông nói rằng “có những chiếc đinh rất cứng để đóng và ta không được sợ hãi việc gõ lên đó thật nhiều cú nhè nhẹ”. Ông nhắc nhở ông Toàn quyền mới Pasquier về tầm quan trọng hàng hải, chiến lược và khí tượng học của các đảo. Ông dành hẳn một bài báo nói về việc khai thác phosphate.

Một bài báo khác, nhan đề “Các quyền của xứ An Nam đối với các đảo Paracels và nhiệm vụ của chính quyền bảo hộ” bàn một cách chi tiết hơn về trách nhiệm của nước Pháp: “Áp đặt quyền bảo hộ của mình với An Nam, nước Pháp trước tiên đã cam kết bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của nó đối mặt với các nước ngoài. Nước Pháp buộc phải duy trì các quyền của xứ An Nam ở mọi nơi chốn mà xứ An Nam đã có được và thực thi các quyền ấy.”

Kiểm duyệt, lời đáp của một chính quyền bối rối và lo ngại

Nhưng rõ ràng là ông Cucherousset quấy rầy tới cấp ngày càng cao hơn. Ngày 20 tháng 10 năm 1929, ông viết: “… ông (Toàn quyền) đã cấm chỉ mọi người dưới quyền, đặc biệt là ARIP (hãng thông tấn chính thức), thốt lên dù chỉ là cái từ Paracels. Và có thể con tàu khách lớn nhất thế giới bị đắm ở đó, 20 chiếc tàu buôn bị cướp ở đó, hay ông Larrouy giết con Rắn Biển với một nhát kiếm ở đó, ARIP cũng không nói đến với bất cứ giá nào, cả các đồng nghiệp của chúng ta cũng không dám đưa một dòng tin nhỏ nhất mà không chắc chắn rằng điều đó làm hài lòng giới trên cao.” Sao mà giống một cách kỳ quặc với một số sự kiện của nước Việt Nam hiện nay…


Gạc Ma Trường Sa năm 1988 64 liệt sĩ bị thảm sát không phép nổ súng.

“Trong những bài báo tiếp theo, đối mặt với “con đà điểu hành chính rúc đầu vào cát để không nhìn thấy gì”, ông Cucherousset mài sắc ngòi bút và chỉ đích xác vụ xì-căng-đan: ông dọa nêu tên một quan chức cao cấp và một sĩ quan cao cấp, ông viết rằng “nhờ có hai nhân vật này, mà một công ty Nhật vốn chẳng đòi hỏi gì hơn là trả cho xứ An Nam một khoản tiền thuê định kỳ lớn, [nhưng – ND] vì nó đã chi… cho… (chỗ này chúng tôi xin khóa miệng mình lại), [nên – ND] đã thực hiện với những phương tiện tài chính lớn việc khai thác các mỏ phosphate giàu có trong vùng đảo Paracels, bộ phận của vương quốc An Nam này… Và việc này kéo dài hai năm, ngay dưới mũi người Pháp… ; và số phân thu được này sẽ bón cho ruộng lúa của Nhật Bản thay vì làm giàu ruộng lúa của người nông dân An Nam.”

Cuộc chiến bắt đầu lan rộng ra ở các đồng nghiệp của Cucherousset. Tờ “Courrier Saigonnais” (Sài Gòn Thư tín), sau khi lặp lại mọi luận điểm về quyền chủ quyền của An Nam đối với các đảo Paracels và về tầm quan trọng chiến lược của chúng, đã viết: “Nhưng ngay khi người ta nói về các đảo Paracels với một quan chức cao cấp của Phủ Toàn quyền, người ta có cảm tưởng là có vài câu chuyện hèn hạ mà chẳng ai muốn làm sáng tỏ.” Ông Cucherousset viết thêm: “Vậy thì điều bí mật nào ít nhiều có thể thú nhận đang bay lượn trên các đảo Paracels?”

Chính quốc thức tỉnh, chính quyền thuộc địa ngọ nguậy

Tháng 4 năm 1931, sau nhiều lần can thiệp của nhà báo và bạn bè ông, chính quốc bắt đầu thức tỉnh hay làm ra vẻ thức tỉnh: “Ông Albert Sarrault (3)tại Thượng viện và Ernest Outrey (4) tại Hạ viện đã khẳng định sự tồn tại có thực của quần đảo Paracels (!), ông thượng nghị sĩ Bergeon (5), Phó Chủ tịch Ủy ban Hàng hải, đã có thể tập họp một số người tán thành và ý tưởng của ông bắt đầu thành hình.” Ông Bergeon nhấn mạnh: “… việc chúng ta sở hữu, với danh nghĩa xứ An Nam, không thể dùng làm món đổi chác, bù trừ cho những nhân nhượng về phía ta ở những điểm khác”.

Dưới áp lực ngày càng tăng của những câu hỏi của chính quốc, cuối cùng ông Pasquier trả lời: “Các quyền của xứ An Nam đối với quần đảo Paracels là không thể tranh cãi, nhưng đòi hỏi những quyền ấy vào lúc này thì không đúng thời cơ.” Ông Cucherousset bèn lại viết: “Tại sao lại không đúng thời cơ thưa ông Pasquier? Vậy trở lực nào chống lại việc xứ An Nam sử dụng những quyền mà nó vẫn giữ từ trăm năm nay? Có phải vì phải để cho người Nhật bòn rút ở đó cho đến tấn phosphate cuối cùng, chắc là bởi họ đã vì việc này mà chi trả cho ai đó cái gì đó ở đâu đó?” Và nhà báo dọa: “… chúng tôi sẽ làm phận sự của mình, sẽ công bố nếu cần toàn bộ hồ sơ chúng tôi có.” Chính quyền liền ra lệnh tẩy chay tờ tuần báo.

Tư liệu mật được tiết lộ. Quần đảo Paracels: món đổi chác với Trung Quốc.

Vậy là tờ báo chuyển sang tấn công và tiết lộ liên tiếp hai tài liệu chính thức dưới tiêu đề: “Lịch sử hiện đại của quần đảo Paracels”. Nó khai hỏa trong số ngày 22 tháng 5 năm 1932 với sự tiết lộ một bản báo cáo mật của người mang tên Lacombe (thực ra là Alexis Elie) khi đó là Trưởng Phòng 1 gửi Phủ Toàn quyển. Bản báo cáo ký ngày 6 tháng 5 năm 1921. Nó nói rằng sự thật là vấn đề quần đảo Paracels xuất hiện lần đầu tiên trong hồ sơ của Phủ Toàn quyền từ năm 1898! Bản báo cáo gợi ra hai sự kiện. Một là vấn đề chủ quyền quần đảo đối mặt với Trung Quốc. Trước hết là chuyện hai chiếc tàu đắm, tàu Belladona (Đức) tại bãi đá Bắc vào năm 1895 và tàu Imegi-Maru (Nhật) tại Amphritite vào năm 1896.

Những tàu này chở đồng, được bảo hiểm bởi một công ty Anh. Tàu đắm bị bỏ mặc, các ngư phủ Trung Hoa cướp phá chúng và đem bán đồ cướp được ở Hải Khẩu (Hải Nam). Sứ thần Anh ở Bắc Kinh và Công sứ Anh ở Hải Khẩu yêu cầu thi hành việc bắt giữ không hơn không kém đối với đồng, tuyên bố rằng, ngay khi xảy ra đắm tàu, các quan lại ở Hải Nam đều biết, lẽ ra họ phải cẩn thận ngăn chặn việc cướp phá và họ phải chịu trách nhiệm về chuyện ấy. Các quan phản đối, viện rằng: “các đảo Paracels là đảo hoang không thuộc về Trung Quốc cũng như An Nam, và không được đặt dưới quyền hành chính của bất cứ quận huyện nào của Hải Nam, và không một cơ quan thẩm quyền đặc biệt nào được giao trách nhiệm cai trị.”



Bản báo cáo mật cũng tiết lộ một yêu cầu điều tra của Bộ Thuộc địa vào năm 1898, nhắm vào việc cho phép một người Pháp đặt trên quẩn đảo Paracels những cửa hàng tiếp liệu cho ngư dân. Điều thú vị là, chính theo lời khuyên của ông Pichon, khi đó là Sứ thần Pháp ở Bắc Kinh, Toàn quyển Paul Doumer đã cho Bộ hay rằng “việc kinh doanh này chẳng có chút cơ may thành công nào…”. Tuy vậy Paul Doumer vẫn khuyến nghị việc xây một hải đăng, yêu cầu này mãi không được trả lời. Một lần nữa các quan chức cao cấp của Pháp đã dọn giường cho Trung Quốc ở quần đảo Paracels và bằng sự ù lì của họ, đã tạo điều kiện để người Trung Hoa có thể biểu lộ việc đòi chủ quyền vào năm 1909.

Rồi đến vụ rắc rối: công ty hàng hải Nhật “Mitsui Bussan Kaisha” muốn khai thác phosphate đã hỏi xin hạm trưởng Remy – tại sao lại hỏi ông này? và với tư cách gì? – nếu như nước Pháp là nước có chủ quyền đối với quần đảo Paracels? Điều mà ông ta đã từ chối. Và để đối lấy thứ gì?

Tiếp đó bản báo cáo gợi đến một cuộc trao đổi điện tín tai tiếng vào năm 1920 giữa Sài Gòn và Paris. Từ Sài Gòn: “Câu hỏi đã được đặt ra và những cuộc tìm tòi đã thực hiện Đông Dương không kết quả xin cho biết nếu như quốc tịch các đảo Paracels được thiết định hợp thức chiếu theo tài liệu nào.”Trả lời của Bộ Hàng hải ở Paris năm 1921: “Người Trung Hoa đã đòi quyền sở hữu quần đảo Paracels vào năm 1909 chỉ dẫn duy nhất tìm được lúc này. Cho biết nguồn gốc và mục tiêu của câu hỏi này.” Tác giả bản báo cáo lưu ý rằng những thái độ ấy đã củng cố người Trung Hoa trong việc đòi chủ quyền và ngạc nhiên là Bộ Hàng hải đã không hỏi ý kiến Bộ Ngoại giao về câu hỏi trên.

Tóm lại, bản báo cáo mật trên tiết lộ rõ sự nhẹ dạ, thiếu năng lực, thiếu minh bạch, bất hợp pháp của các hành động của chính quyền Pháp, đặc biệt là Bộ Hàng hải, ở Sài Gòn và Paris. Nhưng cũng là của ông Bộ trưởng Ngoại giao. Điều này làm lợi cho Trung Quốc và thiệt hại cho An Nam.

Tài liệu thứ hai được tiết lộ là bức thư của ông Pasquier, Toàn quyền Đông Dương, gửi ngày 20 tháng 3 năm 1930 cho Bộ trưởng Thuộc địa. Trong tài liệu mật này, rõ ràng là viết dưới sức ép, ông Pasquier giương chiếc dù hành chính lên che đậy những sự im lặng có tội và những thiếu sót trước đó: “… Để tiếp theo bức điện tín ngày 14 vừa qua liên quan đến các quyền chủ quyền mà chính quyền tỉnh Quảng Đông muốn đòi hỏi đối với các đảo Paracels, tôi tưởng là mình phải trình bày với ông quan điểm của Phủ Toàn quyền. Thực sự cần thiết để ông được cảnh báo không chậm trễ về những ý đồ của chính quyền Quảng Đông, những ý đồ có thể được thực hiện một sớm một chiều.”

Nhắc đến việc chiếm hữu của người Trung Hoa vào năm 1909, ông bình luận: “Việc chiếm hữu này – mà nước Pháp, cường quốc duy nhất có liên quan, đã không hề chính thức biểu lộ tình cảm – lẽ ra chỉ có giá trị pháp lý với điều kiện các đảo Paracels là những “res nullius” (6) vào lúc mà việc chiếm hữu xảy ra.” Xa hơn nữa, Pasquier viết rằng theo chỉ dẫn từ tòa Khâm sứ Trung Kỳ, “ưu quyền của triều đình Huế không thể tranh cãi” là điều đã được thiết định. Sau khi trình bày tầm quan trọng của quần đảo, như thể ông lấy cảm hứng từ nguyên cả nhiều đoạn trong các bài báo của Ông Cucherousset, Pasquier viết: “Tóm lại, tôi hoàn toàn tán thành các nhà báo của ông để thừa nhận lợi ích của nước Pháp trong việc đòi chủ quyền đối với quần đảo Paracels, với danh nghĩa xứ An Nam.”

Và ông thêm rằng “cho đến nay chỉ có những lý do về thời cơ được đem đối lập với việc những quyền trên phải được chính thức khẳng định.” Trong những lý do này, ông giải thích “… lợi ích dễ hiểu của chúng ta lúc đó là không làm xấu đi dư luận Trung Hoa, vào ngay lúc các hiệp ước Đông Dương đang được thương thảo ở Nam Kinh.”



Để kết luận, ông Toàn quyền đầy can đảm và quyết đoán khuyên rằng: “… tôi thấy rằng thái độ hợp thời nhất cần giữ vẫn là chờ đợi. Nó biểu thị lợi thế của việc bảo lưu các quyền của ta cho đến khi hoàn cảnh thuận lợi cho phép ta đưa ra các quyền ấy. Thực tế, chúng ta sẽ có thể phải đi đến chỗ xem xét bỏ một số mối lợi và đặc quyền mà ta đang hưởng ở Trung Quốc. Lúc ấy quần đảo Paracels sẽ có thể làm thành một món mặc cả hay một khoản bù trừ cho những nhân nhượng về phần ta ở những điểm khác.”

Ông Cucherousset bác bỏ một cách mỉa mai: “Khi người ta muốn có một món mặc cả, thì không thể bắt đầu bằng việc bỏ rơi nó; phải trước hết chứng tỏ mình là người sở hữu.”

Đàn áp, điểm chót của một quyền lực hết thời

Trước những tiết lộ trên của tờ báo, câu trả lời của chính quyền không cần phải đợi. Phương pháp chẳng cũ tí nào, như một nếp nhăn vậy: đàn áp. Ngày 18 tháng 6 năm 1932, một cuộc khám xét tư pháp đã xảy ra tại tòa báo và nhà riêng của Cucherousset, ông bị cáo buộc “chứa chấp những chứng từ có từ một sự hà lạm do một công chức thực hiện”. Viên dự thẩm tháp tùng bởi các thanh tra và lực lượng trật tự có lệnh “tiến hành một cuộc khám xét chính xác và tỉ mỉ… nhằm tìm kiếm và thu giữ mọi giấy tờ, hiện vật và tài liệu hữu ích… đặc biệt những gì nói về quần đảo Paracels hay có quan hệ nào đó đến tình hình chính trị, kinh tế của các đảo này”.

Được quyền tại ngoại trong khi chờ đợi kết luận điều tra, Cucherousset, tên thực dân nhiệt thành (“nhưng mà tốt”), có phen trải nghiệm cay đắng về quyền lực thuộc địa, đã viết một bài báo dài đầy hài hước mỉa mai rất khiêu khích đối với ông Toàn quyền. Ông bắt đầu với trích đoạn mượn của Robespierre, nhà cách mạng cộng hòa lừng danh: “Khi một ông Bộ trưởng than phiền về một nhà văn, Quốc hội lập pháp làm nhiệm vụ trả thù cho bộ này, vũ trang cho quyền tư pháp chống lại nhà văn, nó trở thành đại họa lớn nhất của tự do cá nhân” (7). Sau việc thu giữ và xét hỏi, 25 cuộc ủy thác xét xử [commissions rogatoires] và hai tháng dưới gánh nặng của sự đe dọa tù đày, cuối cùng ông được xác nhận rằng không hề có một sự hà lạm trái phép nào đã xảy ra và chính quyền không thể truy tố những công chức ở Paris và Sài Gòn đã trao cho ông Cucherousset một cách hợp pháp các bản sao tài liệu”.



Mỗi vụ đàn áp đều dẫn tới phản tác dụng đối với kẻ đàn áp, vì thế những phản ứng không phải chờ đợi. Cucherousset viết: “Sự can thiệp lố bịch… có hiệu quả là thu hút sự chú ý đến vấn đề quần đảo Paracels của nhiều người Đông Dương, những người thậm chí chẳng biết đây là chuyện gì, chẳng hề thấy vấn đề này quan trọng gì cả hay là đã không dòm nom gì đến nó… Nhưng điều làm ta thích thú nhất, là chuyện này sắp thu hút sự chú ý của một số giới chính khách có ảnh hưởng tại Pháp, những người này sau hai năm rưỡi tích cực lo toan (về vấn đề trên) đã hầu như ngó lơ.”

Nhà báo lợi dụng việc này để kể ra những vụ bỏ mặc hay phản bội khác của nhà chức trách thuộc địa làm hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc An Nam và có lợi cho Trung Quốc: “Có những lãnh thổ khác, nguyên cả tổng, mà những người chịu trách nhiệm phân định biên giới sau cuộc chiến với Trung Quốc năm 1885, đã bỏ cho Trung Quốc mà không hỏi ý nhà chức trách Huế. Một số tổng khá giàu, có người Thổ người Nùng sinh sống, họ hết sức ước mong được chúng ta bảo hộ…”. Ông nói về nhiều thông điệp bày tỏ thiện cảm và ủng hộ mà mình nhận được: “… chính quyền đã nhầm khi tin rằng người An Nam chẳng biết gì hết và rằng họ không đi theo đường lối phê phán… bởi vì nhìn chung thì người An Nam coi chúng tôi (tờ báo) là bạn bè. Tuy nhiên sự việc dường như có gây ít nhiều xôn xao trong dân bản địa, người ta hết sức bất bình thấy ông Toàn quyền xử như thế đối với người chỉ nhắm bảo vệ các quyền của xứ An Nam.”

Hoàng Sa, ông Bộ trưởng Thuộc địa và các trận bão

Và cũng trong số báo ấy, Cucherousset kéo dài thêm những bình luận của mình bằng một bài báo rất xác thực và rất giàu tư liệu về “Các đảo Paracels và những trận bão”. Ông kê danh những trận bão chính trong vùng từ năm 1911 đến năm 1928, điểm gốc và đường đi của chúng, dẫn ra những công trình khoa học có thẩm quyền về chủ đề này và chỉ ra tầm quan trọng hàng đầu của một trạm quan sát, cảnh giác và thông tin khí tượng trong vùng các đảo Paracels, nơi đa số các trận bão đi qua. Ông khuyến nghị sử dụng những thu nhập từ việc khai thác phosphate để tài trợ chi phí cho một thiết bị quan sát hữu hiệu. Trả lời một lá thư của nhà báo đề cập chuyện này với mình, Ông Rigaux, Đại biểu An Nam viết: “… trong năm nay (1932) chúng ta đã có tại An Nam 4 trận bão gây ra từ Bắc đến Nam những tàn phá quan trọng và nhiều nạn nhân… Tôi đã 2 lần đánh điện tín cho ông Bộ trưởng Thuộc địa, chỉ rõ tình thế khó khăn của những người Pháp và người An Nam ấy… ông ta đã không hề trả lời! Cùng lúc, tôi cũng viết nhiều thư cho ông Toàn quyền về cùng vấn đề. Ông ta trả lời tôi: “… theo quan điểm của ông Bộ trưởng thì điều cần thiết đã được làm…”. Thế rồi tôi đã tác động tới nhiều nghị sĩ… Nếu trong vài ngày nữa ông Bộ trưởng Thuộc địa vẫn biệt vô âm tín, tôi sẽ yêu cầu một người bạn nghị sĩ chất vấn ông ta…”. Kết luận, ông Đại biểu An Nam viết: “… sự cần thiết tất yếu lập ra một trạm khí tượng ở quần đảo Paracels cho Đông Dương là bắt buộc và tôi sẽ đặt câu hỏi cho Hội đồng Chính Phủ.”

Tòa án Quốc tế la Haye hay câu chuyện hoang đường của các chính khách?

Sau nhũng chất vấn lặp lại nói trên, Pasquier trả lời ông Đại biểu An Nam, xác nhận rằng vụ việc đã gây xôn xao tại Pháp và rằng, vì người Trung Hoa đưa ra các yêu sách đối với các đảo Paracels, ông Bộ trưởng Thuộc địa đã quyết định đưa vấn đề ra trước Tòa án Quốc tế la Haye. Cucherousset bình luận: “Có thật thế chăng? Hay không thật? Với chúng tôi, chúng tôi đặt những câu hỏi sau:

1/ Nếu như, vì có những yêu sách của người Trung Hoa đối với các đảo Paracels, ông Bộ trưởng đã quyết định đưa vấn đề ra trước Tòa án Quốc tế la Haye, thì ông ta sẽ làm gì nếu người Trung Hoa lại đòi thêm phần còn lại của Đông Dương? Vì yêu sách này cũng cùng loại.

2/ Khi nào và với lời lẽ ra sao vụ việc được đưa ra trước Tòa án Quốc tế la Haye?

3/ Ai là người đại diện cho xứ An Nam trước tòa này?

4/ Làm sao thực hiện việc này khi cả triều đình An Nam trước lúc nhà vua trở về, lẫn Đức Hoàng thượng Bảo Đại kể từ khi lên chấp chính, đã không được thông báo?

5/ Làm sao thực hiện việc này khi vẫn chưa bắt đầu có mảy may sự nghiên cứu nào trong kho lưu trữ ở Huế?

Bấy nhiêu câu hỏi không hề được trả lời.

Những ngư phủ Trung Hoa dưới lá cờ bảo hộ Pháp

Trong một số báo tháng 5 năm 1933, mà ông đặt đầu đề là “Đi chinh phục các đảo phosphate”, Cucherousset miêu tả chi tiết việc chiếm hữu quần đảo Spratleys (Trường Sa) của ba con tàu Pháp: Alerte, Astrolabe và De Lanessan. Ông lợi dụng chuyện này để thêm vào một luận điểm bất ngờ có lợi cho việc chiếm hữu Hoàng Sa. Thực ra ông nói về những ngư phủ Trung Hoa bị truy đuổi bởi các công ty Nhật đang hiện diện trong vùng bãi Tizard khai thác phân chim. Về chủ đề này ông kể một sự kiện kỳ cục: “Những ngư phủ Trung Hoa trên đảo Spratly được bảo đảm có sự bảo hộ của nước Pháp khi mà đã ba năm nay con tàu De Lanessan tuyên bố hòn đảo là của Pháp, họ trương lên lá cờ Pháp mà chiến hạm để lại cho họ (để khiến người Nhật tránh xa); hoặc đó là lá cờ tam tài mới toanh được may ở Hải Nam thay cho lá cờ của tàu De Lanessan đã sờn”. Hàng giả Trung Hoa đã có từ lúc ấy rồi! Ông viết tiếp: “Chúng tôi hết sức tin rằng ở quần đảo Paracels, trong mùa đánh cá và ghé bến, người Trung Hoa sẽ cũng rất sung sướng nếu có thể yêu cầu sự bảo hộ Pháp một khi gặp chuyện.”



Henri Cucherousset tắt thở ở Hà Nội năm 1934, bốn năm trước khi Pháp chiếm hữu quần đảo Paracels, khi mà ngày 15 tháng 6 năm 1938, Jules Brevie, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định lập một phái bộ cai trị ở Hoàng Sa, chiểu theo một đạo dụ của Hoàng đế Bảo Đại nhập quần đảo vào tỉnh Thừa Thiên. Cùng trong năm 1938, một bia đá đã được dựng trên đảo Pattle, mang dòng chữ: “Cộng hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Paracels – đảo Pattle 1938”. Phải ghi chú rằng việc tái khẳng định chính thức này của nước Pháp về các quyền chủ quyền của An Nam xảy ra một năm sau khi nổ ra cuộc chiến Trung – Nhật lần thứ hai và một năm trước khi Nhật chiếm đóng Hải Nam. Trong một thời kỳ mà tấm bản đồ Trung Quốc của Pháp tan thành khói và chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản gõ cửa Đông Dương…

Hết nợ làm giàu

Ngày hôm nay, thời điểm của những sự giả mạo và đầu độc của Trung Hoa về mọi thứ, khi các nhà lãnh đạo Bắc Kinh yên vị nhờ vũ lực vẽ ra trên biển những “lưỡi bò” ngấu nghiến, những “bản đồ chín điểm” cho một vùng lãnh thổ Trung Hoa “lợi ích cốt lõi”, bịa ra khái niệm pháp lý “biển lịch sử”; khi mà họ vừa trình tấm bản đồ bành trướng lên “Map World” để phát hành rộng rãi; vào thời điểm tổ chức National Geographic rất khả kính in (một cách ngây thơ?) trên Hoàng Sa tên nước Trung Hoa mà không hề xác minh việc thuộc về này, khi mạng Google Earth làm ô nhiễm biển Đông với những chữ Tàu và cho phép người ta sỉ nhục nước Việt Nam trên các tấm bản đồ của nó (8), ông Cucherousset tội nghiệp phải đội mồ mà dậy.

Dẩu sao đi nữa, tôi hy vọng việc đọc mà chơi vài bài báo rất nghiêm túc của ông sẽ nhắc nhở các chuyên gia lỗi lạc trách nhiệm có tính quyết định của các cường quốc thực dân và thực dân mới trong những vụ chiếm hữu phi pháp của Trung Quốc. Bất kỳ sử gia nào xứng với danh hiệu ấy đều không có quyền quên chi tiết của Lịch sử và có nghĩa vụ nhắc người ta nhớ đến nó.

Nước Pháp và Nhà nước Pháp, dưới ánh sáng của vài sự kiện trên và đặc biệt là về vấn đề Hoàng Sa, không có gì để tự hào về di sản xấu mà mình đã áp đặt cho nước Việt Nam và về việc mình đã làm quá ít vì lợi ích của nhân dân Việt Nam. Ngày hôm nay, giống hệt hôm qua, nước Pháp chẳng có gì hay mà chờ đợi khi nhắm mắt trước chủ nghĩa bành trướng Trung Hoa đang tăng tốc ở biển Đông. Lịch sử của nó với Trung Quốc đã cho nó thấy rõ rằng những thị trường xem ra là cứu tinh hôm nay có thể khép lại rất nhanh vào ngày mai. Chúng thậm chí có thể trở thành vũ khí quay lại chống nó. Chỉ những sự phản phúc và hèn đớn là còn lại, khắc sâu trong ký ức tập thể và, vào thời internet, sẽ chồm lên và truyền bá nhanh như chớp trước con mắt dư luận.

Còn với Nhà nước và chính quyền Mỹ, những người bênh vực tự do dân chủ chỉ khi nào những quyền ấy phục vụ lợi ích của mình, họ rất nên nhớ lại những ngày của năm 1972, những ngày nhục nhã của Lịch sử của họ, khi cặp Nixon-Kissinger đã bán tháo nước Việt Nam cho Mao Trạch Đông để được phép vào thị trường Trung Hoa. Họ cũng rất nên giữ trong ký ức cái ngày 19 tháng 4 năm 1974 ấy, trang sử đẫm máu của Hoàng Sa khi hạm đội 7 của Mỹ giả điếc trước lời kêu cứu của các sĩ quan và thủy thủ của đồng minh Cộng hòa Việt Nam, và lạnh lùng để cho 54 người trong số họ bị xử quyết bởi hạm đội Trung Hoa cách đấy vài dặm. Họ không được quên những lời đường mật tòng phạm mà Kissinger, cố vấn của Nixon, nói chỉ 4 ngày sau vụ gây hấn trên với viên đại diện Trung Quốc tại Mỹ để xin thả một nhân viên Mỹ bị bắt ở Hoàng Sa: “Lập trường của Hoa Kỳ là không hậu thuẫn Nam Việt Nam yêu sách các hòn đảo đó. Tôi muốn tỏ rõ điều này… Chính phủ Sài Gòn đang lập nhiều phái đoàn đến các các tổ chức quốc tế như SEATO và cả LHQ. Chúng tôi muốn quý vị rõ rằng chúng tôi không liên quan gì với các phái đoàn đó.” “Hòa bình trong danh dự”: đó là khẩu hiệu của Nixon và đồng bọn để làm sang cho sự phản bội thảm hại ấy.

Không, thật đấy, giống như nước Pháp thực dân và “khai hóa”, nước Mỹ “dân chủ” không có bàn tay sạch trong bi kịch Hòang Sa và tình thế hiện nay của nó. Dù hai Nhà nước ấy nói gì, dù sự trung lập mà hôm nay họ muốn trưng ra trong những hội nghị quốc tế và ở những chỗ khác liên quan đến những “sự tranh chấp lãnh thổ” mà họ sẽ đứng ngoài ấy, hai cường quốc trên gánh một trách nhiệm rất nặng nề trong việc Trung Hoa đặt tay lên quần đảo, mối đe dọa đè nặng lên sự thông thương tự do trong vùng, và xa hơn nhiều nữa, là những nguy cơ xung đột vũ trang.

Ở trung tâm của những sự phản bội ngày hôm qua, là miếng mồi lợi lộc ngắn hạn. Tất cả những gì ta phải cầu chúc cho họ hôm nay để lấy lại đôi chút danh dự đã đánh mất, làm sáng tỏ và bảo đảm tương lai của họ, là không rơi lại vào những sai lầm cũ để đổi lấy vài tỷ đô la phù du mà ông già Noel phân phát trong thời kỳ khủng hoảng. Họ phải coi như một món nợ lịch sử đối mặt với nhân dân Việt Nam, và một nghĩa vụ với nhân dân của chính họ mà họ cũng đã phản bội, đó là trách nhiệm tác động thực sự và mạnh mẽ lên cộng đồng quốc tế để đòi sự tôn trọng luật quốc tế liên quan đến quyền trên biển. Để cho hàng trăm ngư dân Việt Nam thôi bị đánh đắm, hành hạ, cầm tù và đòi tiền chuộc khi họ đi kiếm sống trong không gian biển và đảo của đất nước họ. Để Hoàng Sa cuối cùng được giải phóng và trả lại người sở hữu hợp pháp là nhân dân Việt Nam. Như một chiến thắng của pháp luật, danh dự văn minh. Như điều kiện duy nhất của một nền hòa bình bền vững, có lợi cho tất cả mọi người.

A. M. – H. C. Q.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

(1) Tên Việt Nam của các đảo, bãi và bãi đá đã được tác giả chua thêm.

(2) Nhóm nằm ở đông-bắc quần đảo bao gồm những đảo nhỏ, đá ngầm và bãi Bình Sơn, Phú Lâm, cồn cát Nam, đảo Nam, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Cây, cồn cát Tây.

(3) Khi đó là Bộ trưởng Hải quân và tương lai là Bộ trưởng Thuộc địa.

(4) Dân biểu, cựu quan chức cao cấp của chinh quyền thuộc địa ở Nam Kỳ, cựu Thống sứ Lào rồi sau đó Campuchia.

(5) Thượng nghị sĩ này, phất lá cờ sự đe dọa Cộng sản, đã công bố trong bản in về phần kinh tế của tạp chí “Capital” (Tư bản): “… Ai cũng đồng ý thừa nhận rằng bọn Cộng sản nổi loạn ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ nhận tiền và vũ khí bằng đường biển, bờ biển Trung Kỳ đặc biệt thuận tiện cho việc đổ bộ bí mật. Vậy ta phải chiếm lấy quần đảo Paracels, những lính gác tiền tiêu của Bắc Kỳ, cứ điểm thuận tiện cho sự giám sát nhưng cũng cho việc buôn lậu.” Hãy nhớ rằng thời kỳ này ở ngay sau những cuộc khởi nghĩa quần chúng ở Yên Bái và Nghệ Tĩnh.

(6) Nghĩa đen: vật không của ai. Đây là một biệt ngữ latinh dùng trong luật dân sự (luật về của cải) chỉ một vật vô chủ, nghĩa là không có người sở hữu tuy nhiên có thể chiếm hữu.

(7) Sự tự vệ của một nhà báo trước quốc hội lập pháp ngày 1 tháng 6 năm 1791

(8) Nếu mở Google Earth, nhấp vào l’Ecueil de la decouverte (đá Lồi), phía bắc Passu Keath (Bạch Quy), ta phát hiện những từ cuồng nộ bằng tiếng Anh hạ cấp: The Xisha islands belong to china! Are u a blind man?? In the photo have chinese characters, it is an island belong to china. can’t u see? Vietnam pig! Too foolish! (Tây Sa thuộc về TQ! Mày mù à? Trong hình có chữ Tàu, đó là một đảo thuộc TQ. Mày có thấy không? Lợn Việt Nam! Quá ngu!)

(9) Foreign Relations of the United States (Quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ), 1969–1976 Tập XVIII, China (Trung Quốc), 1973–1976, Tài liệu 66.

Hoangsa-vietnam.com

0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page