André Menras (1)
Vùng biển có tên là Biển Trung Hoa mà người TQ gọi là Biển Nam, còn người VN thì gọi là Biển Đông đang trở thành điểm nóng trên hành tinh của chúng ta.Vùng «Địa Trung Hải» Đông Nam Á này bao gồm 10 quốc gia với hàng nghìn hòn đảo, trong đó có 200 đảo được tập trung thành 2 quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa.Vùng biển và đảo này có tầm quan trọng cực kỳ về mặt chiến lược và kinh tế: đây là lộ trình bắt buộc của tất cả các tàu chở dầu và các tàu vận chuyển nguyên vật liệu và các hàng hóa khác đi từ châu Âu, châu Phi, Trung Đông thông qua eo biển Malacca, hướng về TQ, Triều Tiên, Nhật Bản.Vùng biển này vừa là nguồn tài nguyên dồi dào về thủy sản, vừa là kho báu đầy hứa hẹn về trữ lượng dầu và khí đốt thiên nhiên. Hoàng Sa nằm ở phía Đông bờ biển miền Trung VN, đang là đối tượng tranh chấp về chủ quyền giữa VN và TQ. Trường Sa, nằm ở vị trí trung tâm, đang bị tranh chấp bởi 7 nước : Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Phi-lip-pin, Mã Lai, Bru-nây và In-đô-nê-xi-a. Lịch sử, quyền lợi và sức mạnh
Nói về Hoàng Sa, trên phương diện lịch sử cũng như luật pháp quốc tế, chủ quyền chắc chắn thuộc về VN. Yêu sách mà TQ đưa ra không thể đứng vững trước xét xử của trọng tài quốc tế. Thế nhưng quần đảo này đã bị TQ nuốt chửng bằng sức mạnh quân sự. Đó là vào 2 thời kì: năm 1956, sau sự thất bại của thực dân Pháp và năm1974, khi Mỹ bắt đầu nhảy vào VN. Đối với quần đảo Trường Sa, tình hình có phức tạp hơn nhưng chủ quyền của VN trên một số lớn các hòn đảo cũng như trên các lãnh hải lân cận được xác lập một cách công bằng về mặt lịch sử cũng như về pháp lý. Những mâu thuẫn với các nước thành viên ASEAN có thể được giải quyết bằng cách thỏa thuận vì lợi ích lẫn nhau. Nhưng người «Anh Cả TQ» lại không muốn như vậy. Sau khi đột nhập vùng biển năm 1988, giết hại 74 thủy thủ VN, hải quân TQ đã không ngừng gặm nhấm các hòn đảo nhỏ.
Từ gặm nhấm đến nuốt chửng
Sau đó, TQ đi từ chính sách gặm nhấm đến nuốt chửng: ngăn cản các công ty dầu khí nước ngoài ký hơp đồng khai thác với các nước trong vùng, trong khu vực kinh tế độc quyền của họ; bắt bớ và cầm tù trong nhiều tuần các đoàn tàu đánh cá, tịch thu cá đánh bắt được cùng với thuyền chài, đánh đập dã man các ngư dân, trả tự do bằng cách đòi gia đình họ đưa tiền chuộc; đâm thủng và làm đắm các tàu thuyền, đơn phương ngăn cấm đánh cá – dĩ nhiên là chỉ đối với người VN – từ tháng 5 đến tháng 8 trong khu vực, viện cớ là khu vực sinh thái.
Trong suốt tháng 4, TQ đã phát động các cuộc diễn tâp hàng không với quy mô lớn ở Trường Sa với các thao tác như đổ bộ, thả lính nhảy dù, tập bắn súng. Về phương diện pháp lý, năm 2009 các nhà lãnh đạo TQ đã đưa ra yêu sách chính thức về chủ quyền «không thể tranh cãi» dựa trên sự ủy thác của Liên Hiệp Quốc về chủ quyền trên biển: 80% biển và toàn bộ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Như để cảnh cáo, họ vừa chuyển đến các nhà ngoại giao Mỹ thông điệp: «Biển phía Nam thực chất thuộc về quyền lợi cốt lõi của Trung quốc». Có nghĩa là nơi mà họ sẵn sàng tiến hành các hoạt động quân sự như đối với Tây Tạng hoặc Đài Loan. Đồng thời , TQ cũng từ chối mọi cuộc đàm phán rõ ràng, minh bạch (và đa phương). Họ đã từ chối thẳng thừng việc áp dụng luật quốc tế của LHQ năm 1982 về chủ quyền trên biển. Nói tóm lại, Trung Quốc tự cho mình đứng ngoài vòng pháp luật, và họ thật sự đã làm như vậy, theo đúng nghĩa đen của từ này.
Tình hình VN trước sự đối mặt với TQ
Sự thiếu hụt về cán cân thương mại giữa VN và TQ thật là khổng lồ.Hơn 50% các trao đổi thương mại quốc tế của VN được thực hiện với TQ. Hàng hóa TQ tràn ngập thị trường đã bóp nghẹt nền sản xuất và nghề thủ công của VN. Các dự án lớn về khai thác mỏ chủ yếu bị các nhà thầu TQ được Bắc Kinh hỗ trợ hết mình cuỗm mất. Trong lĩnh vực xây dựng cũng bị Hán hóa sâu sắc và nhân công không lành nghề của TQ bắt đầu định cư lâu dài. Hàng trăm ngàn hec-ta đất cũng bị đem cho các doanh nghiệp lâm nghiệp TQ thuê trong vòng 50 năm… Đôi khi cả trong những vùng chiến lược. Các tổ chức lobby (vận động hành lang-chạy cò) của TQ đã len lỏi vào trong cơ chế quyết định về chính sách một cách mạnh mẽ và có thế lực.
«Sự kiên nhẫn» đầy độ lượng của các nhà lãnh đạo VN
Trong tình hình báo động cao độ vì nền độc lập của đất nước, các nhà lãnh đạo VN ngày càng lâm vào thế kẹt giữa những sự câu thúc và tham vọng ngày càng quá đáng của anh láng giềng «thân thiết» với phản ứng bền bỉ, tự hào vì sự sống còn của dân tộc. Từ lâu, họ đã bưng bít thông tin về cuộc xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Thậm chí họ đã đình chỉ các tờ báo, rút lại các bài viết, (RÚT THẺ NHÀ BÁO) của các phóng viên. Họ chưa bao giờ tuyên truyền rộng rãi trên toàn quốc tình hình các ngư dân đồng bào của họ đã bị bắt và bị cầm tù như thế nào! Họ đối xử với những người yêu nước đang phẫn nộ [trước mọi hành vi côn đồ] theo kiểu TQ và thường đồng hóa họ với «các thế lực phản động nước ngoài». Thậm chí họ còn kính cẩn làm ngơ trước những lá thư cảnh báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại trăm năm của nền độc lập VN, người bạn chiến đấu ngay từ buổi đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Những dấu hiệu phản ứng «cứng rắn» của VN
Nhưng tình trạng không thể cứ kéo dài như thế mãi bởi sự nhục nhã đã trở thành quá lớn đối với một dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn và một tính cách vô cùng mạnh mẽ. Thực trạng kinh tế của quốc gia cũng không thể nào tránh khỏi điều đó: tương lai của đất nước, dải đất mà đôi khi chiều rộng chưa đến 100 cây số nhưng lại có bờ biển dài hơn 3000 cây số, sẽ là một tương lai chết nếu như vùng biển bị cướp đoạt. Không ai có thể chối cãi rằng Đảng Cộng Sản VN có quyền đòi hỏi vinh quang trong quá khứ, nhưng ngày nay họ phải hết sức thận trọng để không phải trả giá cho sự nhục nhã của hiện tại và thảm kịch của tương lai.
Do đó, trước sự phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh, VN đã thành lập một vùng quân sự mới, vùng số 2, chịu trách nhiệm bảo vệ vùng biển và hải đảo từ miền Trung đến miền Nam đất nước, bảo vệ các dân chài, nhà cửa, dân cư. Họ đang thử trang bị vũ trang hiện đại : tàu khu trục,tàu tuần tra, máy bay thám thính, tên lửa, trực thăng… Sự quân sư hóa cần thiết để sống còn này làm cho nền kinh tế thêm trì trệ và kìm hãm mạnh mẽ sự phát triển của đất nước.
Sự căng thẳng dâng cao
Trước quyết định kháng chiến rõ ràng của VN, các nhà lãnh đạo TQ lồng lên vì tức giận.Trong hàng trăm trang internet chịu sự kìểm soát gắt gao của Bắc Kinh, chúng ta có thể đọc được bài báo ngày 29/4/2010 với tựa đề: «Trung Quốc phải sử dụng vũ lực quân sự để tấn công bọn Việt Nam lòng lang dạ sói». Tác giả còn đề cập đến quan hệ giữa 2 nước giống như quan hệ giữa «người nông dân và con rắn»… Có đoạn còn viết rằng : «cuộc chiến tranh Trung – Việt năm 79 vẫn chưa đủ dạy cho Việt Nam một bài học tơi bời thì trong bài học lần này, chúng ta cần làm triệt để, để Việt Nam có được bài học nhớ đời và cũng là vì lợi ích lâu dài của Trung Quốc». Cũng trong ngày 29/4, trên trang Web «Hoàn cầu thời báo» và «Ren Minh bao (tức là báo Nhân dân)», cơ quan ngôn luận Đảng Cộng Sản TQ, người ta tìm thấy một bài với lời tựa hùng hồn: “Giải quyết vấn đề Biển Đông , then chốt là hành động”.
Sau khi giới thiệu TQ giống như một nạn nhân vô tội trong một vụ cướp bóc tài nguyên trong khu vực, bởi «một số nước», các tác giả đã nêu lên mối nguy hiểm : «… Nước Mỹ, dưới sự giúp đỡ của các nước đồng minh như Sin-ga-po và Phi-lip-pin đã tăng cường sự tồn tại quân sự tại Biển Đông... có kế hoạch trở lại vịnh Cam Ranh, nhằm tiến tới sát đường ráp ranh cận hải của ta». Họ thản nhiên đưa ra chiến lược lấn chiếm của TQ từ mọi phía.
Về phía Việt Nam, ngày 7/5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Phú Trọng, nhân vật số 4 trong Bộ chính trị của Đảng Cộng Sản VN đã kêu gọi hải quân «... sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công trên hướng biển». Cũng trong buổi lễ hôm ấy, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, trong bài diễn văn của mình, đã nhắc lại «sứ mệnh lịch sử» của hải quân VN là «dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh».
Ngày 1/4/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trong chuyến viếng thăm đảo Bạch Long Vĩ của VN, cách Hải Phòng 70 hải lý, đã tuyên bố rõ ràng, không còn gì rõ hơn được nữa: «Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hưũ nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta... Làm việc này trên cơ sở thương lượng, trao đổi, vận động, thuyết phục... Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình... Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng».
Cuối ngày 11/5, tại Hà Nội, nhân Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (2) (mà TQ không phải là thành viên), Bộ trưởng VN, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã tuyên bố rằng sự hiện đại hóa quân sự là chuyện bình thường, nhằm để bảo vệ đất nước tốt hơn và cũng để «tạo sự răn đe». Răn đe: lần đầu tiên từ nàyđư ợc tuyên bố công khai bởi một vị lãnh đạo của VN. Nhưng răn đe ai? Chắc chắn không phải là các nước khác trong ASEAN.
Kết luận:
Mối đe dọa bùng nổ quân sự trong khu vực là có thật. Đó không phải là việc của các nước «nhỏ» ASEAN, bởi vì không ai trong số họ đe dọa TQ và họ cũng không hề quan tâm đến việc ấy. Dĩ nhiên càng không phải là VN. Tuy nhiên, có những giới hạn đối với các cuộc tấn công lấn chiếm gây ảnh hưởng đến sự sống còn của các nạn nhân. Chúng ta cũng có thể chờ xem phản ứng của các lực lượng có liên quan đến vấn đề an ninh trong khu vực.
Liệu rằng triều đại TQ hiện nay có dám coi thường quyền lợi của các dân tộc và luật pháp quốc tế bằng cách đem 1 tỉ 3 người TQ cùng với bom nguyên tử và các đòn trả đũa về kinh tế ra đe dọa hay không? Liệu TQ có thể khôi phục được quy luật cũ rích ngày xưa, quy luật chiến tranh của kẻ mạnh, với sự thông đồng của các bạn hàng quốc tế và các chính khách đại biểu hay không? Tuy nhiên, không ai trong số các nhà quan sát, các chuyên viên và các nhà phân tích lỗi lạc có thể nói rằng họ không hay biết điều đó bởi vì TQ đã tự lột mặt nạ của mình rồi!
Chẳng sớm thì muộn, càng không nói, càng lùi bước trong sự ích kỷ, tham lam và hèn nhát thì rồi đây chúng ta sẽ phải gánh chịu những thảm kịch đang xảy ra ở nơi khác mà chúng ta có thể ngăn chặn được. Munich (3) ở cách đây không xa và thế giới thì ngày càng nhỏ lại. Nếu chúng ta không hành động vì dân tộc VN và các dân tộc lân cận thì ít ra hãy hành động vì chính mình.
A.M.
Chú thích :
(1) Tác giả của bài báo về đề tài này - đã được phát hành trên báo l’ Humanité số ra ngày 14/5/2009 với tựa đề : «Việt Nam và Trung Quốc: ràng buộc hay trói buộc ?» - đồng thời cũng là tác giả tài liệu được đăng trong số 86 về các Nghiên cứu quốc tế, tháng 4- 6/2009 : «Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam, những quân cờ đô-mi-nô đầu tiên của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc?»
(2) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(3) Munich: Thành phố của Đức, nơi mà vào năm
1938, các đại diện của Chính phủ Pháp và Anh đã bật đèn xanh cho Hitler tấn công Ba-lan và Sét-xlô-va –kia vì họ muốn tránh chiến tranh xảy ra ở nước họ. Chỉ hai năm sau, Hitler đã tuyên chiến với Anh và Pháp.
Bản tiếng Pháp của tác giả vừa đăng trên La Marseillaise. Bản tiếng Việt cũng do tác giả chuyển ngữ và gửi trực tiếp cho BVN.
Comentários