Về phim tài liệu " những hiệp sĩ Cát Vàng "
http://www.lamarseillaise.fr/culture/cinema/65926-docu-vietnam-la-voix-des-pecheurs-sacrifies-de-l-archipel-interdit
Cảm ơn anh Giao đã dịch sang tiếng Việt !
PHIM TƯ LIỆU
Trang 1 báo LA MARSEILLAISE
LẶN LỘI TRONG VÙNG BIỂN CẨM
Đạo diễn André Menras, người thành phố Béziers, đã đồng hành suốt một tháng trời với những ngư dân & thợ lặn Việt Nam trên vùng biển truyền thống hiện bị Trung Quốc dùng quân sự để chiếm đoạt
Trang 3 báo LA MARSEILLAISE
TIẾNG NÓI CỦA NHỮNG NGƯỜI NGƯ DÂN BỊ HY SINH TRÊN QUẦN ĐẢO CẤM
Đạo diễn André Menras (công dân Béziers) đã chung sống một tháng với những ngư dân người Việt trong vùng đánh cá truyền thống đã bị Trung Quốc vũ trang chiếm đoạt
Chứng từ đầu tiên – và duy nhất – về cuộc sống thường ngày của những người lao động trên biển cả, đối mặt thường trực với nguy cơ Trung Quốc.
Đây là hòn đá ném ném vào biển cả của im lặng. Sự im lặng dầy dặc bao phủ lên những ngư dân Việt Nam, vì cuộc sống của gia đình, buộc phải mạo hiểm ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa (Paracels), vùng đánh bắt truyền thống cuả họ, đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm đẫm máu từ năm 1974.
Sau « La meurtrissure » (Hoàng Sa nỗi đau mất mát), cuốn phim đầu tay gây chấn động (bị cấm chiếu ở Việt Nam), ghi nhận chứng từ của những người vợ goá con côi của ngư dân đã bỏ mình trong cuộc xung đột chủ quyền (tàu thuyền bị đánh đắm, bắt bớ, và cả những cuộc ám sát), trong cuốn phim tư liệu thứ nhì này, đạo diễn A. Menras đã chọn « trao lời cho ngư dân, cho thấy cuộc sống hàng ngày của họ trên biển, dưới dự đe doạ thường trực của Trung Quốc ». Ống kính camera đã trả lại khuôn mặt và tiếng nói cho những con người mà Menras gọi là « những hiệp sĩ Cát Vàng » [tên gọi trong sử sách của những ngư dân Hoàng Sa] đã trở thành vật tế thần cho « mối tình hữu nghị 16 chữ vàng ».
Về mặt con người, một điều gớm ghiếc
« Ở Việt Nam, đảng độc tài nắm chặt quyền lực trong bàn tay sắt. Không chấp nhận bất cứ sự phản biên nào, nhất là phản biện về quan hệ hữu nghị với đảng anh em cũng đang đọc quyền ngự trị tại Trung Quốc. Ngư dân Hoàng Sa khác nào cái gai trong gót chân của mối tình hữu nghị, nên cấm chỉ không được nói tới », Menras nhận xét. Tìm hiểu hồ sơ Hoàng Sa, nhà điện ảnh đã kiểm kê trong 10 năm, như dân miền Trung Việt Nam đã bị xâm hại hơn 2000 lần ở vùng biển quần đảo. « Đó là một điều ghê tởm, không chỉ đứng về mặt nguyên tắc chủ quyền Việt Nam – bị vi phạm bởi một nước Trung Quốc hùng mạnh, lân bang và bành trướng – mà nhất là trên bình diện con người, khi chúng ta thấy tận mắt những gia đình ấy, phải sống trên một vùng ven chật hẹp, chỉ có thể lấy biển cả làm nguồn sống ».
Bước vào tuổi 70, người cựu giáo viên mà cuộc đời gắn bó với lịch sử Việt Nam từ 50 năm nay – ông nói tiếng Việt trôi chảy và đã vào quốc tịch Việt Nam – đã lao mình vào dự án hơi « điên » này : ra khơi « chui » với những ngư dân và thợ lặn Việt Nam, đi tới vùng biển mà Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt.
Cuộc hải trình 1000 km kéo dài 27 ngày đêm trên một con thuyền gỗ lênh đênh trên biển cả, có thể bị chiến hạm Trung Quốc đâm thủng bất cứ lúc nào. Hành trang hầu như chỉ vỏn vẹn một cuốn sổ tay, một máy ảnh cũ, để ghi lại một hành trình chưa từng có của một kí giả.
Phản ứng ban đầu của 15 ngư dân trẻ trên thuyền là ngạc nhiên. Nhưng họ đã nhanh chóng chấp nhận « bác Hai » (tức là bác Cả, vì ở vùng này, không ai là « Cả »). Và « Bác Hai » nhanh chóng hoà mình vào đội ngư dân.
Mệt mỏi và căng thẳng
« Tôi đã chia sẻ một phần cuộc sống khổ ải của họ. « Khổ ải » là từ ngữ chính xác : mỗi đêm lặn 4 giờ, thở bằng một cái ống áp khí nóng và ô nhiễm, lồng ngực như bị đốt. Khi nào không lặn thì ngồi trên thuyền, trong gió lạnh, để canh chừng cho bạn thuyền ở 35 mét độ sâu… Căng thẳng vì bất cứ lúc nào cũng có thể tàu Trung Quốc lao tới tông vào. Đó là không kể nông nỗi xa vợ xa con », Menras kể lại, không quên chi tiết là mỗi ngày phải giấu kỹ cái thẻ ghi lại hình ảnh và phim hình dưới hầm cá. Để hình ảnh và những đoạn phim không rơi vào tay hải quân Trung Quốc. Tình huống xấu nhất ấy, may thay đã không xảy ra ; dù rằng, trong phim « Hiệp sĩ Cát Vàng », có một cảnh « thắt tim », tàu Trung Quốc khổng lồ chiếu đèn vào con thuyền nhỏ bé. Hai ngọn đèn như đôi mắt dã thú xé toạc màn đêm. Những hình ảnh – nhiều đoạn rất đẹp – cho thấy cuộc sống của những lao công trên biển cả, luôn luôn căng thẳng và mệt mỏi. Menras tóm tắt : « Cuộc sống cuả họ là một cuộc chiến đấu thường trực ». Một cuộc chiến đấu điểm xuyết bằng những khuôn mặt rạng rỡ sau mẻ cá thành công, bằng chất thơ của những bản nhạc kháng chiến Việt Nam vang lên trong đêm tối giữa một vùng biển quân sự hoá của Trung Quốc. Một chứng từ hiếm hoi, tiếc thay thường bị che đậy, về một tấm gương dũng cảm với đôi bàn tay trần.
Amélie Goursaud
Có thể mua DVD gồm 2 phim Hoàng Sa, nỗi đau mất mát và Những Hiệp sĩ Cát Vàng, 5 thứ tiếng (Pháp, Anh, Việt, Séc, Hoa) do hãng Lumière du jour vừa phát hành : www.hoangsa-vietnam.com (15€).
Comments